Bệnh giun móc/mỏ không có dấu hiệu lâm sàng đặc hiệu. Tuy nhiên, trong trường hợp gặp bệnh nhân thường hay bị đau vùng thượng vị thiếu máu là nữ, làm nghề nông, sống trong vùng dịch tễ giun móc/mỏ, ta nên nghĩ đến bệnh nhân bị bệnh giun móc/mỏ. Muốn chẩn đoán xác định ta phải xét nghiệm phân tìm trứng giun.
Phân phải được xét nghiệm trước 24 giờ sau khi lấy để tránh tình trạng trứng giun móc/mỏ có trong phân sẽ nở thành ấu trùng, khi đó khó phân biệt với giun lươn.
Có nhiều kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán giun móc/mỏ; kỹ thuật chuẩn quốc tế hiện nay là kỹ thuật Kato và Kato – Katz. Ngoài ra còn các kỹ thuật khác để chẩn đoán xét nghiệm giun móc/mỏ như nuôi cấy trứng giun trên giấy thấm trong ống nghiệm hoặc trong môi trường than. Thông thường những kỹ thuật này dùng trong nghiên cứu, giúp cho chẩn đoán định loại giun.
Có thể dùng một trong những thuốc dưới đây để điều trị giun móc/mỏ.
Mebendazol
- Nếu nhiễm nhẹ và trung bình: liều duy nhất 500mg.
- Nếu nhiễm nặng: 500 mg/ngày X 3 ngày.
Pyrantel pamoat (Combantrin, helmintox…)
Liều 10 mg/kg/ngày x 3 ngày.
Albendazol (Alben, zentel, alzental…)
Liều lượng: cả người lớn và trẻ em dùng liều lượng như nhau 400 mg liều duy nhất.
Levamisol
Liều: 2,5 mg/kg/ngày x 2 ngày.
Chú ý: Đối với levamisol, hiện nay có những khuyến cáo không nên dùng vì thuốc có thể gây tai biến như não viêm hoặc có thể gây ung thư.
Chống chỉ định: Các thuốc nêu trên không dùng cho phụ nữ có thai hoặc những ngườicó cơ địa dị ứng với thuốc.
Về nguyên tắc việc phòng bệnh giun móc/mỏ giống như phòng bệnh giun đũa.
Đối với giun móc/mỏ, trong phòng bệnh cần chú ý vấn đề bảo hộ lao động như đi ủng, găng khi lao động phải tiếp xúc với mầm bệnh dễ có ấu trùng.
Hiện nay ở một số nước người ta dùng nấm diệt ấu trùng giun móc/mỏ ở ngoại cảnh. Đây là biện pháp sinh học tốt để phòng chống bệnh giun móc/mỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét